Bài toán tài chính quyết định tính khả thi của đề án kinh doanh

Tháng Chín 25, 2017  10:02 sáng   Đăng bởi

Ngày 23/9 là ngày thi cuối của Vòng 3 Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017, diễn ra ở 2 Hội đồng thi TP.HCM và Hà Nội.

Các giám khảo – doanh nhân tham gia chấm thi tại Hội đồng thi TP.HCM gồm: ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo Việt Bến Thành, bà Phan Thị Tuyết Mai – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên, bà Phạm Thị Nguyên Thanh – Group sales Director Đất Xanh Group, bà Nhan Húc Quân – Tổng giám đốc Công ty Bao bì giấy nhôm New Toyo, ông Trần Khánh Tùng – Master Marketing Sorbonne, bà Võ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT Công ty Giao nhận Vận tải Mỹ Á (ASL).

Hội đồng thi Hà Nội có sự tham gia của các giám khảo:  ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Tuấn Hà – Giám đốc điều hành Vinalink, ông Hoàng Tùng – CEO của chuỗi nhà hàng Pizza Home.

8 đề án kinh doanh được bảo vệ trong ngày thi gồm:

1/ Ladonese (Sản xuất phân phối thực phẩm chức năng từ mật ong) của thí sinh Lê Thị Hường (TP.HCM)

2/ Fresh and Green (Nhà hàng chay sinh thái) của thí sinh Phạm Thị Ngọc Nhớ (TP.HCM)

3/ Nhà hàng buffet Dang Nắng của thí sinh Trương Minh Đạt (TP.HCM)

4/ Giang’s furniture (Sản xuất bàn ghế từ vỏ trứng) của thí sinh Vũ Hoàng Giang (TP.HCM)

5/ Black Garlic (Quán ăn với các món ăn chế biến từ tỏi đen) của nhóm thí sinh Mai Văn Nghĩa và Nguyễn Thị Kim Ngân (TP.HCM)

6/ Herb For Health (H4H) Sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng từ cây ngải cứu của nhóm thí sinh Đinh Phương Linh và Phan Thị Kiều Trang (TP.HCM)

7/ Sitterhome (Dịch vụ bảo mẫu và giúp việc nhà) của thí sinh Tạ Thúy Lan (Hà Nội)

8/ Vườn hoa thơm cỏ lạ của thí sinh Trần Thị Huế (Hà Nội)

Thí sinh Lê Thị Hường vừa tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc tại một công ty kinh doanh mật ong. Vì vậy các giám khảo khuyên Hường nên phát triển dự án thành một dòng sản phẩm mới của công ty đang làm việc, hơn là thành lập một công ty mới hoàn toàn, vì muốn mở công ty thì phải xây dựng quy trình sản xuất cụ thể, tính toán chi phí, doanh thu, cơ cấu nhân sự… một cách hợp lý.

Đề án Nhà hàng buffet Dang Nắng của thí sinh Trương Minh Đạt nhận được lời khen từ ban giám khảo về ý tưởng gợi nhớ về món ăn đặc sản địa phương, gắn liền với tuổi thơ mỗi người Việt. Để có thể triển khai ra thực tế, Minh Đạt được góp ý cần phải cần trọng trong tìm, sử dụng và quản lý nguồn vốn; điều chỉnh logo, tên thương hiệu, hệ thống nhân sự… nhằm hạn chế rủi ro khi kinh doanh. Đồng thời, thí sinh có thể tận dụng ngành học về công nghệ để tạo ra mô hình kinh doanh khác biệt hơn.

Để án Nhà hàng chay sinh thái của thí sinh Phạm Thị Ngọc Nhớ chiếm được tình cảm của các doanh nhân vì đó là một ước mơ đẹp về một bữa ăn dinh dưỡng, nguyên liệu sạch, không gian sinh thái trong lành. Một số vấn đề Ngọc Nhớ cần hoàn thiện trong đề án: chi phí thuê mặt bằng, định vị thương hiệu, đối tượng khách hàng, phương thức tiếp cận… nhằm tránh lãng phí trong các chiến lược tiếp thị. Đồng thời, thí sinh cũng cần có quy trình truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu cho đến khi thành phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Giám khảo Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo Việt Bến Thành chia sẻ nhiều kinh nghiệm về vị trí đặt nhà hàng, xác định đối thủ cạnh tranh, khách hàng, cũng như quy trình tổ chức nhân sự, khấu hao… cho các thí sinh muốn kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Giám khảo Phan Thị Tuyết Mai cũng cho thí sinh nhiều lời khuyên trong việc xây dựng thương hiệu, ý tưởng tạo ra mô hình kinh doanh mới lạ, khác biệt.

Giám khảo Phạm Thị Nguyên Thanh gợi ý thí sinh tận dụng những thế mạnh của mình để tạo ra lợi thế cạnh tranh, chú ý hơn đến cách thiết kế logo, đặt slogan… mang cá tính, nét đặc trưng của thương hiệu.

Các giám khảo và thí sinh trong buổi thi sáng 23/9.

Đề án nhà hàng tỏi đen Black Garlic đề cao tính dinh dưỡng và những công dụng của tỏi đen, được các giám khảo khuyến khích tiếp tục phát triển, bổ sung và điều chỉnh những yếu tố về chi phí thuê mặt bằng, giá bán, quy trình chế biến thức ăn, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm… Đặc biệt, giám khảo Trần Khánh Tùng bật mí cho thí sinh quy trình tính giá một món ăn, nhất là món ăn chủ lực của nhà hàng để có giá bán phù hợp.

Đề án Herb For Health (H4H) được đánh giá khá chỉnh chu, cách trình bày mạch lạc, thiết kế logo đẹp, slogan có ý nghĩa và được giám khảo cho là có thể triển khai ngay. Vấn đề mà đề án cần giải quyết là mức lương còn thấp, khó đảm bảo nhân sự toàn tâm làm việc. Ngoài ra, độ tuổi khách hàng còn rộng nên khó có chiến lược truyền thông phù hợp.

Giám khảo Phương Lan giúp thí sinh hiểu rõ về biến phí, định phí, những bài toán tài chính để thẩm định khả năng triển khai đề án.

Giám khảo Trần Khánh Tùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế về chiến lược sản phẩm định giá sản phẩm.

Giám khảo Nhan Húc Quân chia sẻ cách thức sử dụng, thiết kế bao bì nhằm tạo nên sự khác biệt, tiện lợi, đánh trúng tâm lý khách hàng.

Giang’s furniture (Sản xuất bàn ghế từ vỏ trứng) được đánh giá cao về sự sáng tạo, độc đáo, đặc biệt khi thí sinh Vũ Hoàng Giang chỉ mới là sinh viên năm nhất. Tính khả thi của dự án là vấn đề khá trăn trở, đòi hỏi Hoàng Giang phải kiên trì nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính, mô hình kinh doanh, cũng như cách trình bày để có thể vừa thuyết phục nhà đầu tư, vừa thuyết phục khách hàng sử dụng những sản phẩm mang tính đột phá này.

Các giám khảo và thí sinh trong buổi thi chiều 23/9.

“Vườn hoa thơm cỏ lạ” của thí Trần Thị Huế là một trong hai dự án tại Hà Nội lọt vào vòng 3 cuộc thi. Đề án sản xuất tinh dầu thiên nhiên được đánh giá là khá hay, có thể nghiên cứu để phát triển dòng sản phẩm 100% từ thiên nhiên. Các giám khảo góp ý thí sinh cần làm rõ hơn sự khác biệt của sản phẩm so với những sản phẩm đã có trên thị trường, đồng thời nên cân nhắc lại tên sản phẩm để khách hàng có thể hình dung về sản phẩm một cách rõ ràng.

Sitterhome (Dịch vụ bảo mẫu và giúp việc nhà) của thí sinh Tạ Thúy Lan đánh trúng nhu cầu cấp thiết của thị trường là tìm người giúp việc chuyên nghiệp. Lợi thế của đề án là nhu cầu thị trường rất lớn nhưng phải giải quyết được thách thức chất lượng người giúp việc, người bảo mẫu và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thí sinh cần xây dựng ứng dụng để xây dựng và phát triển dịch vụ một cách nhanh chóng.

Giám khảo và thí sinh tham gia buổi thi tại Hà Nội sáng 23/9 (từ trái qua): bà Trương Cẩm Lê – Trưởng Văn phòng đại diện Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, giám khảo Tuấn Hà, thí sinh Tạ Thúy Lan, giám khảo Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, thí sinh Trần Thị Huế, giám khảo Hoàng Tùng.

TĂNG KHÁNH – BÍCH TRÂM – QUÝ HÒA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *