9 đặc điểm cần phát triển để sở hữu tư duy doanh nhân

Tư duy doanh nhân không phải là một đặc tính cố định, chỉ dành cho một số người, mà đa phần có thể được dạy, được trau dồi. Và, để phát triển tư duy doanh nhân, có 9 đặc điểm sau đây.


Dù có nhiều khái niệm về tư duy doanh nhân, song điểm chung là tư duy của những người có mong muốn tạo ra giá trị, sẵn sàng đặt mình vào thách thức, chấp nhận rủi ro và học hỏi liên tục để thúc đẩy bản thân hướng về mục tiêu

Tư duy doanh nhân (Entrepreneurial Mindset) là một trong những nội dung đầu tiên của bất kỳ khóa huấn luyện, tập huấn nào liên quan đến khởi nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của vấn đề này, đối với những người sắp trở thành doanh nhân. Vậy tư duy doanh nhân thực sự là gì?

Hiện, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm tư duy doanh nhân. Theo quan điểm của Alain Fayolle, đăng trên Financial Times: “…Tư duy doanh nhân đề cập đến một trạng thái tâm trí cụ thể, nhằm định hướng hành vi của con người đối với các hoạt động và kết quả kinh doanh. Các cá nhân sở hữu tư duy doanh nhân thường bị cuốn hút vào các cơ hội đổi mới và tạo ra giá trị mới. Các đặc điểm bao gồm khả năng chấp nhận rủi ro được tính toán và chấp nhận thực tế của sự thay đổi và sự không chắc chắn”. 

Trong cuốn sách mang tên Tư duy doanh nhân, McGrath và MacMillan (2000) cho rằng “…bạn biết bạn đã hoàn toàn chấp nhận tư duy kinh doanh khi bạn bắt đầu hành động và suy nghĩ như một doanh nhân theo thói quen”; đồng thời xác định “5 đặc điểm của tư duy doanh nhân gồm: say mê tìm kiếm cơ hội mới, theo đuổi các cơ hội với kỷ luật rất lớn, chỉ theo đuổi những cơ hội tốt nhất và tránh kiệt sức, tập trung vào việc thực hiện một cách cụ thể, thích ứng và kết hợp sự tham gia năng lượng của nhiều người…”.

Tuy vậy, các khái niệm hướng đến một điểm chung, đó là tư duy của những người có mong muốn tạo ra giá trị, sẵn sàng đặt mình vào thách thức, chấp nhận rủi ro và học hỏi liên tục để thúc đẩy bản thân hướng về mục tiêu. Các yếu tố được đề ra cốt yếu là thái độ, kỹ năng và hành vi. 

Tư duy doanh nhân không phải là một đặc tính cố định hay chỉ dành cho một số người, mà đa phần các kỹ năng có thể được dạy, được trau dồi. Phát triển tư duy doanh nhân được tập trung vào một số vấn đề cơ bản như:

1. Thái độ chủ động, dấn thân: Chủ động quyết định các vấn đề, chủ động tìm kiếm các cơ hội, chủ động dấn thân vào các thách thức để tìm kiếm sự trải nghiệm và học hỏi từ các thành công hoặc thất bại của bản thân.

2. Khả năng tự định hướng: Khả năng nhìn nhận đam mê, quyết tâm theo đuổi đam mê và mục tiêu hoặc thay đổi mục tiêu khi cần thiết.

3. Thái độ chấp nhận rủi ro, mạo hiểm: Khi tư duy như một doanh nhân, chúng ta cần có thái độ mở rộng với rủi ro, kể cả những rủi ro không lường trước, để có thái độ chủ động chiếm lĩnh thành công trong môi trường kinh doanh giả định.

4. Tư duy linh hoạt, khả năng thích ứng, tùy chỉnh: Tư duy linh hoạt cho phép chúng ta nhìn nhận các sự việc, hiện tượng linh hoạt, không bị động, không cứng nhắc; thích ứng với sự biến đổi, linh hoạt điều chỉnh các hành động phù hợp.

5. Khả năng học hỏi liên tục và thông qua hành động liên tục: Theo quan điểm học tập qua hành động, chúng ta sẽ tự đúc rút các bài học qua việc thực hành, trực tiếp tham gia vào các dự án, các tình huống kinh doanh  giả định.

6. Tư duy sáng tạo, đổi mới: Tư duy sáng tạo là cốt lõi của khởi nghiệp tinh gọn, sự đổi mới liên tục và sáng tạo đột phá là yếu tố thúc đẩy phát triển cho cá nhân và doanh nghiệp.

7. Khả năng nhận diện cơ hội và nắm bắt cơ hội: Cơ hội từ việc nhận diện các vấn đề của khách hàng, của xã hội đến việc mạnh dạn nắm bắt để đưa ra ý tưởng và sản phẩm đáp ứng. Không chần chừ trước cơ hội dù cơ hội là không chắc chắn thành công.

8. Tư duy phản biện: Tư duy này cho phép biết đặt ra nhiều câu hỏi và tìm câu trả lời liên quan đến một vấn đề một cách đa chiều, rộng, sâu, có tính liên kết chặt chẽ, từ đó cung cấp các thông tin cho quá trình tư duy học hỏi và đưa ra các kết luận, giải pháp một cách toàn diện, đúng đắn nhất.

9. Tư duy giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị: Giúp phát hiện và nhìn nhận các nhu cầu, các vấn đề của khách hàng, của xã hội, từ đó tạo ra các giải pháp có giá trị nhằm giải quyết các vấn đề là một tiền đề của hoạt động kinh doanh và sáng tạo không ngừng.

Nền tảng của tư duy doanh nhân là sự thúc đẩy cá nhân tạo ra giá trị trong chính bản thân và cho tổ chức họ làm việc và cống hiến. Theo đó, những ai đang có mục tiêu, mong muốn bước lên phía trước, đều cần có hay được đào tạo để có tư duy doanh nhân. 

Nói cách khác, nếu muốn đi bằng và với tư duy doanh nhân, mỗi cá nhân phải có nhận thức và các cam kết trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân, cam kết tiến lên phía trước để hướng đến các mục tiêu cần thực thi.

Trương Thị Hương Giang
Huấn luyện viên khởi nghiệp, Ths – Giảng viên QTKD,
Đại học sư phạm Huế


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *