Từ “cây lúa hạt gạo” đến đạo lý thương trường

“Chuỗi giá trị Nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm” là chủ đề của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can năm nay. Từ “đầu bài” đó, chương trình giao lưu doanh nhân – sinh viên sáng 13/6/2019 tại Đại học Công nghiệp Hà Nội là cuộc chia sẻ cởi mở, thú vị câu chuyện về gắn khởi nghiệp sáng tạo với trách nhiệm xã hội. 

Tham gia buổi giao lưu, bạn Vũ Thị Ngọc – sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội, người đoạt giải Nhất mùa giải năm 2018 – đã chia sẻ rất tâm huyết với các bạn thí sinh tham gia mùa giải năm nay về tinh thần “Dám nghĩ – dám làm – dám ước mơ – dám thực hiện”. Nó gắn với câu chuyện khi cô đi qua cánh đồng mía rộng lớn và nhận thấy sự vất vả, những xước xát của người nông dân khi chăm sóc mía một cách thủ công. Từ quan sát đến tư duy và các bước hành động tiếp theo, một chữ “Dám” đã khích lệ cô sinh viên cùng các bạn khoa Cơ khí và điện tử của trường để cùng nhau thực hiện ý tưởng. Đề án “Sản xuất máy chăm sóc mía FOHA” không chỉ mang lại cho Ngọc giải Nhất đầy vinh quang, mà còn mang lại cho cô gái những kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ hữu ích để tự tin bước vào đời.

Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT – Phó BTC
Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2019 giao lưu với sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đó cũng chính là một trong những thành công của Giải thưởng tài năng Lương Văn Can, khi đó không chỉ gói gọn là sự tưởng thưởng cho một dự án khả thi mà còn là nơi khích lệ những khát vọng tuổi trẻ. Khát vọng dám nghĩ, dám làm và luôn luôn sẵn sàng để đón nhận mọi kiến thức, kinh nghiệm. 

Bên cạnh đó, từ tinh thần của một giải thưởng gắn liền với thực tiễn đời sống, với mục tiêu bồi dưỡng một thế hệ doanh nhân trẻ hội tụ Trí – Tài – Đức, Giải thưởng Lương Văn Can cũng hướng các thí sinh đến việc giải quyết các vấn đề cuộc sống một cách sáng tạo, hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực. 

Chia sẻ về những điều mình “lĩnh hội” được từ Giải thưởng này, bạn Lê Thị Dung – Bạn trẻ đã đoạt giải thuyết trình tốt nhất tại mùa giải trước với Sản phẩm nghệ thuật Warrior Wood Resin cho biết: Sau khi tham gia giải thưởng từ vòng 1 đến chung kết, chúng em học được nhiều thứ. Đầu tiên là tinh thần đồng đội: giúp đỡ, chia sẻ với nhau trong suốt quá trình xây dựng dự án. Rồi học cách tư duy, không chỉ là những con số kinh tế khô cứng mà còn là các vấn đề về công nghệ, về máy móc phù hợp… Đồng thời có thêm cả kinh nghiệm thuyết trình, một kỹ năng mà sinh viên Việt Nam rất hạn chế”. 

Dung cho biết, sau khi tốt nghiệp (hiện em đang học năm thứ 4), em sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án này và đưa vào kinh doanh.

Bạn Lê Thị Dung – sinh viên đoạt giải thuyết trình tốt nhất mùa giải 2018

Câu chuyện của Vũ Văn Lợi, người mang Ứng dụng du lịch King Guide lọt Top 10 tài năng kinh doanh mùa giải 2018 luôn gắn khởi nghiệp với vấn đề đạo đức kinh doanh. Lợi cho biết, đến nay ứng dụng hỗ trợ du lịch của bạn mặc dù mới có vài ngàn người dùng nhưng rất khả quan vì bạn cho rằng, những sản phẩm nào ích lợi cho cộng đồng, cho người dùng thì nhất định sẽ có thành công. 

Nói về kinh nghiệm khi tham gia cuộc thi, bạn cho biết: cần chuẩn bị tinh thần để tham gia. Ngoài ra, cần có kiến thức sâu sắc về sản phẩm mà mình đem đến cuộc thi, làm sao để sản phẩm thuyết phục và có thể phát triển ra thực tế sau này. Khi được hỏi về đạo đức trong kinh doanh, Lợi khẳng định một triết lý rất đơn giản đó là: kinh doanh những nghề chân chính, mang đến những sản phẩm – dịch vụ hữu ích và thiết thực cho cộng đồng. 

Đồng quan điểm, Quán quân mùa giải 2018 Vũ Thị Ngọc còn mở rộng ý nghĩa của khái niệm “kinh doanh chân chính” – chính là sự trung thực. “Đạo lý trung thực của thầy Lương Văn Can không chỉ dành riêng cho doanh nhân, cho những người khởi sự doanh nghiệp mà còn dành cho tất cả thế hệ trẻ chúng ta. Ai cũng cần phải bước vào đời bằng tinh thần trung thực”, Ngọc nói. 

Về kế hoạch khởi nghiệp từ dự án đoạt giải nhất, Ngọc cho biết sản phẩm mà cô mang đi dự thi là máy chăm sóc mía. Tuy nhiên thị trường mía năm nay có thay đổi, nhiều nơi đã ngừng không trồng mía nữa nên để thành lập doanh nghiệp, nên cô sẽ cần phải nghiên cứu lại thị trường. Ngoài ra, trong cuộc thi năm ngoái, Ngọc cũng đã nhận được sự góp ý của Ban giám khảo là cần phải xem lại trọng lực của máy để phù hợp khi làm ở các vựa mía rộng, nên đang nghiên cứu cải tiến sản phẩm này. Cô cho biết, không chỉ máy chăm sóc mía, nhóm của cô đang có khuynh hướng tạo ra các sản phẩm khác dùng trong nông nghiệp. 

Qua các câu chuyện của Ngọc, Lợi và các thí sinh đầy quyết tâm bước lên bục vinh quang của giải thưởng Lương Văn Can, có thể thấy, từ các vấn đề của “cây lúa, hạt gạo”, có biết bao bài toán cuộc sống đang chờ bàn tay và trí óc của người trẻ. 

Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT – Phó Ban tổ chức cho biết: “Đi đến năm thứ 9 của một hành trình còn rất dài, có thể nói mục tiêu hết sức quan trọng của Giải thưởng là truyền đạt tinh thần của cụ Lương Văn Can cho hậu thế. Đó là tinh thần kinh doanh trung thực, hiếu nghĩa với tất cả đạo đức kinh doanh, đó là điều hết sức quan trọng”. 

Ông cũng chia sẻ kỳ vọng của Ban tổ chức, cũng như của các doanh nhân đi trước với giới trẻ: “Các bạn sẽ trở thành những doanh nhân thấm nhuần tinh thần  Lương Văn Can. Các bạn sẽ có rất nhiều kỹ năng – về xây dựng kế hoạch, về tính khả thi, thực tiễn, về cộng tác cùng phát triển…. Các bạn sẽ trở thành những người kinh doanh có tri thức, có trình độ, có khả năng giao tiếp quốc tế, đặc biệt là có tinh thần đạo đức kinh doanh trong sự nghiệp của mình. Đây cũng chính là tinh thần của Giải thưởng tài năng Lương Văn Can hướng tới. Một thế hệ doanh nhân tương lai không những tài giỏi mà còn có tâm, có tấm lòng với sự nghiệp chung”.

Ông giới thiệu về Học kỳ doanh nghiệp – một học kỳ đặc biệt mà các sinh viên tham gia cuộc thi có cơ hội được trải nghiệm. Đó là học kỳ mà trong quá trình khi các bạn sinh viên có đề tài đã lọt vào vòng trong, sẽ được tiếp cận với các doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ tổ chức cho các bạn thực hành trong môi trường doanh nghiệp của chúng tôi, qua đó các bạn hiểu được cách xây dựng một doanh nghiệp, vận hành nó ra sao, hoàn thiện hơn đề tài của các bạn, chuẩn bị cho buổi thuyết trình tốt hơn”.

Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh nhân Sài Gòn phối hợp cùng một số cơ quan tổ chức từ năm 2011. Giải thưởng nhận được sự quan tâm lớn của sinh viên cả nước. Mỗi mùa giải qua đi, những dự án cùng với các sinh viên đã trưởng thành dần trong thực tế cuộc sống. Có những dự án khởi nghiệp thành công, có những dự án tiếp tục đi vào nghiên cứu chiều sâu để mang ra áp dụng, và cũng có những dự án không thể triển khai. Tuy nhiên, những gì mà các bạn sinh viên được cọ xát, được trải nghiệm là hành trang vô giá bước vào đời. 

Nguyễn Viết Chung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *