Trong hai ngày 29-30/9, vòng 3 của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2018 đã diễn ra sôi nổi tại Hà Nội và TP.HCM, với 13 đề án kinh doanh xuất sắc nhất của 17 thí sinh.
Đồng hành với vòng 3 của cuộc thi, vừa trong vai trò người giám khảo, vừa như những người thầy là các doanh nhân, chuyên gia: Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty CP SaiGon Food, ông Trần Khánh Tùng – Master Marketing Sorbonne, ông Đinh Khắc Hoàng – Giám đốc Công ty Bảo Việt Bến Thành, bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Phan Hùng Dũng – Tổng giám đốc Fiore Healthy Resort, và ông Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và Đào tạo Brainmark.
Thí sinh Bùi Thị Thúy với đề án Home Service – Kết nối người lao động và người thuê lao động. Theo trình bày của Thúy, nền tảng này sẽ giúp kết nối giữa các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc nhà cửa. Các dịch vụ chính mà Home Service cung cấp gồm vệ sinh nhà cửa định kỳ, chăm sóc sân vườn, giúp việc chăm sóc bà mẹ sau sinh, em bé và người già.
Trăn trở trước thực trạng một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam dần phai mờ những ký ức hào hùng của lịch sử dân tộc, hai thí sinh Đoàn Minh Tân và Nguyễn Tấn Phát đã mang đến cuộc thi dự án Nhà hàng không gian sử Việt. Với tiêu chí “Ăn món Việt, nhớ ngay sử Việt”, Tân và Phát đã giới thiệu nhiều món ăn đặc sắc như Mọc vân ám, nem công chả phượng, thịt chằn tinh, rượu Sát Thát v.v..
Xác định Việt Nam là nước xuất khẩu trà đứng thứ 5 thế giới, song vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường, nhóm thí sinh Trương Hoàng Phúc, Mã Phú Cường và Trần Lê Mỹ Quỳnh đã ra mắt dự án Trà búp thanh long Đức Thuận. Điểm nổi bật của dự án này là sản phẩm trà từ búp thanh long, lần đầu tiên được đưa ra tại thị trường Việt Nam. Theo các thí sinh, trà búp thanh long có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giảm cholesterol và chống oxy hóa – tốt cho sức khỏe.
Mang theo câu chuyện giàu cảm xúc về bà ngoại của mình cũng như sứ mệnh nâng niu vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, đề án Bồ kết túi lọc Bokeva của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Thanh đã mang đến niềm thích thú cho người nghe. Sản phẩm với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, đủ sức giải quyết được các vấn đề về sức khỏe da đầu mà các dầu gội hóa phẩm ngày nay chưa đáp ứng được. Theo Hồng Thanh, Bokeva giúp mang lại một mái tóc khỏe đẹp bởi bốn không: không gàu, không khô, không rối và không rụng tóc.
Đặt mục tiêu góp phần giảm lượng rác thải, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và đáp ứng nhu cầu chăm lo sức khỏe ngày một tăng, thí sinh Vương Thị Ngọc Ly đã giới thiệu đề án Sản xuất phân bón hữu cơ từ vỏ chuối và vỏ trứng. Theo Ngọc Ly, hơn 40% người tiêu dùng có xu hướng trồng rau sạch tại nhà, do đó phân bón hữu cơ từ vỏ chuối và vỏ trứng đã ra đời, với mong muốn tạo ra một sản phẩm tự nhiên, an toàn, giá cả phải chăng và phù hợp với đa số.
Đam mê du lịch, thí sinh Ngô Uyên Thảo đã giới thiệu Ứng dụng du lịch công nghệ eTripping. Điểm khác biệt lớn nhất của eTripping đến từ tính năng tối ưu hóa chi phí. Với eTripping, bất kể khách hàng ở độ tuổi nào, có thu nhập bao nhiêu cũng có thể tìm được một lịch trình phù hợp, được thực hiện một cách nhanh chóng trên nền tảng ứng dụng công nghệ tiện lợi.
9 thí sinh ở Hà Nội với 7 đề án kinh doanh xuất sắc lọt vào vòng 3
Sau vòng 3, Hội đồng giám khảo sẽ lựa chọn 3 đề án kinh doanh xuất sắc nhất vào vòng chung kết, tranh giải Nhất – Nhì – Ba, sẽ diễn ra vào ngày 26/10 tới.