Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 đã khép lại sau vòng thi chung kết – bảo vệ đề án kinh doanh. Chủ nhân của các phần thưởng tổng trị giá 300 triệu đồng đã được xác định.
Cuộc thi năm 2017 là mùa giải thứ bảy của chương trình GTTNLVC do Báo Doanh Nhân Sài Gòn sáng lập và tổ chức. “Không hẹn mà gặp”, cả 3 đề án thi Vòng chung kết năm nay đều là những dự án kinh doanh liên quan đến nông nghiệp: sản xuất nhang sạch từ sen, sản xuất thực phẩm chức năng từ cây ngải cứu và tạo không gian sống có lợi cho sức khỏe từ các loại thảo mộc.
Trần Thị Huế – sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội – Giải nhất GTTNLVC 2017: Xét dưới góc độ là người khởi nghiệp, số tiền thưởng 100 triệu nhận được từ cuộc thi rất cần thiết cho startup của em để duy trì hoạt động kinh doanh. Chưa kể, việc đoạt giải quán quân còn là cơ hội tốt quảng bá thương hiệu cá nhân và tên tuổi dự án. Riêng với bản thân, việc tham gia cuộc thi đã cho em cơ hội được học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị doanh nhân đi trước và cả những bạn thí sinh dự thi. Ngoài ra, em còn được trau dồi và cải thiện nhiều kỹ năng cần thiết như kỹ năng lập đề án, giao tiếp, thuyết trình… Em trở nên chỉn chu hơn, không chỉ về cách làm đề án mà còn về cách suy nghĩ, cách thuyết trình, cách giao tiếp với mọi người. |
Không những thế, hơn một nửa trong số 27 đề án kinh doanh được tham gia vòng thuyết trình bảo vệ đề án cũng là những dự án được xây dựng trên cơ sở sử dụng, sản xuất nguyên liệu hoặc phân phối sản phẩm từ ngành nuôi – trồng, như mật ong, dầu dừa, trái mãng cầu, cây kiwi, lá cây xoài, củ tỏi…
Điều này cho thấy, giới trẻ hôm nay ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã tiếp cận với thực tế nhiều hơn, nắm bắt nhiều thông tin về kinh tế – xã hội của đất nước để cùng tham gia vào công cuộc cải tiến và xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh – sạch, phát huy lợi thế trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.
Theo kịp xu hướng thời đại là một điểm tích cực khác mà các bạn trẻ tham gia GTTNLVC năm nay thể hiện qua bài thi của mình. Các đề án tạo không gian tự học trên môi trường internet, dịch vụ cung cấp bảo mẫu và giúp việc nhà cho thấy các sinh viên dù còn đang trong quá trình tích lũy kiến thức lý thuyết cũng không để mình bị bỏ lại phía sau trong dòng chảy của nền kinh tế chia sẻ. Không những thế, họ còn thể hiện là những người không bị chìm trong “màu xám” của lý thuyết khi mong muốn phát triển các dịch vụ đáp ứng những nhu cầu có thực, như du lịch trải nghiệm, tạo cây cảnh mang dấu ấn cá nhân, phục vụ đồ ăn chay…
Bịch gia vị nêm canh chua, gói trà túi lọc, cả ổ bánh pizza nướng vội…, những sản phẩm mẫu mà các thí sinh đem đến phòng thi dù bao bì còn chưa bắt mắt, dù hình thức còn có điểm cần khắc phục, nhưng tất cả đã nói lên rằng ý tưởng về sản phẩm của các bạn không còn nằm trên giấy nữa mà đã được triển khai trên thực tế. Không chỉ nghĩ, mà đã làm. Sở hữu tố chất này, trên con đường lập nghiệp sau này dù làm việc ở vị trí nào, các bạn cũng sẽ có nhiều cơ hội thành công.
Đồng hành cùng GTTNLVC suốt 7 mùa giải qua trong vai trò giám khảo, bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT nhận xét: “Các đề án được trình bày ngày càng đầy đủ và phong phú hơn. Năm nay, tôi rất ấn tượng với phần khảo sát thị trường của các bạn (mẫu chi tiết, nhiều câu hỏi khảo sát). Dù đề án chưa biết có triển khai thực tế được hay không nhưng ít nhất khi các bạn làm khảo sát người tiêu dùng phần nào thể hiện tính nghiêm túc và hướng đến thực tiễn của đề án…”.
Trực tiếp hướng dẫn các thí sinh hoàn thành đề án thi vòng chung kết, ông Lý Thái Bảo – giảng viên Viện Đào tạo BMG nhận định: “Do thời gian có hạn nên có thể các thí sinh chưa đáp ứng được mọi mong muốn của các giám khảo và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây vẫn là một bước đệm có ý nghĩa, bởi họ sẽ tận dụng được những sự hỗ trợ của các doanh nhân và tổ chức để hoàn thiện đề án kinh doanh của mình, mở rộng và phát triển dự án không chỉ dừng lại ở một làng quê, địa phương nào đó mà có thể mở rộng quy mô ra toàn quốc và quốc tế”.
Trong 7 năm qua, GTTNLVC đã được xem là vườn ươm tài năng trẻ, nơi những trí thức trẻ không những có cơ hội thể hiện khả năng kinh doanh của mình, mà còn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Ban tổ chức và các doanh nhân, từ đó tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế – những thứ vốn nằm ngoài giáo trình được học trong trường.
Chung tay nâng bước cho giới trẻ, bên cạnh nhiều doanh nhân đã đồng hành cùng Chương trình từ mùa giải đầu tiên đến nay, luôn có thêm nhiều cái tên mới trong dàn diễn giả và giám khảo GTTNLVC là những người đang điều hành doanh nghiệp, là chuyên gia hay người làm công tác đào tạo. Thông qua các hoạt động của Chương trình, họ trao cho thế hệ sau thứ tài sản vô hình mang giá trị vô giá, đó là vốn kiến thức và kỹ năng tích lũy trong hành trình lập nghiệp của mình.
Đây cũng chính là một trong những khác biệt lớn của GTTNLVC, đúng như nhận định của ông Phan Bảo Giang – Giám đốc điều hành Công ty Say Cheese, người đã tham gia làm giám khảo nhiều mùa giải: “Ưu thế rất lớn của GTTNLVC là tập hợp được một dàn giám khảo là các doanh nhân không chỉ giỏi về nghề mà còn đầy tâm huyết với giới trẻ”.
Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017: Từ 15/3 – 20/10/2017 * Giao lưu Doanh nhân – Sinh viên: 30 doanh nhân, chuyên gia làm diễn giả giao lưu với sinh viên 9 trường đại học: ĐH Mở TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, ĐH Ngân hàng TP.HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, ĐH Đồng Tháp, ĐH Kinh tế TP.HCM. * Cuộc thi lập và bảo vệ đề án kinh doanh: – 1.244 thí sinh từ 45 trường đại học, cao đẳng, học viện trên thi Vòng 1 – Kiểm tra kiến thức kinh tế – kinh doanh, tư tưởng làm giàu của danh nhân Lương Văn Can và khả năng Anh ngữ. * Học kỳ doanh nghiệp: 2 ngày trải nghiệm quy trình làm việc tại REX Hotel dành cho 37 thí sinh dự thi Vòng 3. * Kết quả cuộc thi: – Giải nhất: Đề án “Hoa thơm cỏ lạ – Hệ thống vườn tinh dầu và các sản phẩm từ thiên nhiên” của thí sinh Trần Thị Huế – sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. |
PH.THANH – VÂN THẢO – BÍCH TRÂM