Tháng Tư 27, 2017 10:10 chiều Đăng bởi admin
Môi trường đại học là nơi tốt nhất giúp sinh viên xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai, đặc biệt tại những trường ở tỉnh. Do đó, hãy tự tin khi là một sinh viên tỉnh và phát huy lợi thế đó khi bước chân vào thị trường lao động.
Đó là lời nhắn nhủ của các doanh nhân dành cho hơn 400 sinh viên Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp tại buổi giao lưu Doanh nhân – Sinh viên với chủ đề “Tự tin lập nghiệp” diễn ra vào sáng nay (ngày 27/4) tại ĐH Đồng Tháp. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Tại sự kiện này, sinh viên của hai trường đại học được gặp gỡ và giao lưu với các doanh nhân – diễn giả, được nghe tư vấn về những kiến thức cần tích lũy, những kỹ năng cần chuẩn bị để bắt đầu chặng đường lập nghiệp sau này.
Các doanh nhân – diễn giả giao lưu cùng sinh viên ĐH Kinh tế – Luật gồm: ông Nguyễn Thanh Tân – Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn phát triển kinh doanh Brainmark, bà Đinh Hà Duy Trinh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT; bà Dương Thị Bích Nga – Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chi nhánh Đồng Tháp và ông Huỳnh Công Thắng – người điều phối chương trình, Giám đốc điều hành VICGO, huấn luyện viên tại iStartX – hệ sinh thái Internet tập trung vào hoạt động của Khu Công nghệ Phần Mềm (ITP) ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trước băn khoăn của nhiều thí sinh liên quan đến những điểm mới của GTTNLVC năm 2017, ông Tân đánh giá đề thi năm nay rất hay và thú vị – điều này được thể hiện ngay từ vòng một của cuộc thi. Theo ông, đây là cơ hội để thí sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân theo cách riêng của mình nhằm thuyết phục các doanh nhân – giám khảo. Qua đó, giúp thí sinh phát huy tối đa tố chất kinh doanh cũng như tâm huyết dành cho đề án ngay từ đầu.
Giải đáp thắc mắc làm thế nào để tăng tính khả thi của đề án, bà Trinh chỉ rõ: ý tưởng kinh doanh của đề án phải đáp ứng được nhu cầu có thật của thị trường, phù hợp với nguồn lực, năng lực hiện có của thí sinh – chủ đề án, đồng thời giải quyết được bài toán tài chính (đặc biệt về phần vốn đầu tư).
Dưới góc độ là ngân hàng, bà Nga chia sẻ, trước khi quyết định đồng ý cho một dự án kinh doanh vay vốn, các ngân hàng sẽ thẩm định về tính khả thi của dự án, bao gồm:dự án có đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng hay không, cân nhắc mức cung – cầu trên thị trường, sau đó tiến hành đánh giá đối tác của dự án đó có đủ độ “an toàn” hay không. Thông thường, các công ty sẽ được ngân hàng ân hạn cho vay trong 6 tháng, sau đó công ty cần phát sinh lợi nhuận để trả các khoản vay cho ngân hàng đúng thời hạn theo thỏa thuận.
Hơn 400 sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đến tham dự buổi giao lưu.
Tiết mục văn nghệ sôi động của sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp mở đầu chương trình.
Từ trái sang: ông Huỳnh Công Thắng, ông Nguyễn Thanh Tân, bà Đinh Hà Duy Trinh, bà Dương Thị Bích Nga.
Sinh viên bày tỏ những trăn trở liên quan đến việc ứng tuyển, khởi nghiệp, đặc biệt khi là sinh viên tỉnh lẻ
Ông Nguyễn Thanh Tân chỉ ra, có thể điểm yếu của sinh viên học tại các trường đại học tỉnh lẻ là thiếu cơ hội được trải nghiệm, nhưng cũng đừng vì vậy mà các bạn nghĩ mình thiệt thòi. Thực tế, đây lại là lợi thế để bạn chứng tỏ sự tự tin, năng lực học hỏi của bản thân. Ông dẫn chứng, đã có rất nhiều thí sinh đạt giải cao trong cuộc thi GTTNLVC là những bạn học ở tỉnh hoặc xuất thân từ tỉnh lẻ, hay như công ty của ông cũng có nhiều nhân viên giỏi, nhiều bạn trong số đó là người Đồng Tháp. Do đó, sinh viên tỉnh hãy tự tin và tự hào về môi trường rèn luyện của mình!
Là một người con vùng đất Long An, bà Trinh kể lại quãng thời gian lập nghiệp trên quê hương và sau đó là Sài Gòn. Với hơn 23 năm gắn bó với Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT và làm việc với nhiều bạn trẻ, bà Trinh nhấn mạnh, thái độ là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn trở nên khác biệt với mọi người. Không chỉ trên khía cạnh công việc, thái độ còn được thể hiện từ những việc rất nhỏ như: lắng nghe, tôn trọng người khác. Đặc biệt bà đánh giá rất cao thái độ nghiêm túc của sinh viên trường Đồng Tháp và trường Cao đẳng Cộng đồng thông qua tác phong đúng giờ và tích cực giao lưu với các diễn giả.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM, bà Dương Thị Bích Nga nghe theo tiếng gọi của tình yêu, quyết định rời mảnh đất Tây Nguyên về Đồng Tháp lập nghiệp. Thông qua những câu chuyện, tình huống cụ thể, bà Nga giúp sinh viên hình dung được quá trình xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ cần thiết cho công việc – đặc biệt với một nhân viên ngân hàng có xuất phát điểm thấp và “lạ nước lạ cái” khi đó như bà. Bà nhấn mạnh, những mối quan hệ chính là tài sản quý giá nhất của một người làm kinh doanh.
Là một người trẻ và làm việc với nhiều người trẻ khác, ông Huỳnh Công Thắng chia sẻ những cách giúp sinh viên thể hiện tính chuyên nghiệp. Một trong số đó là tận dụng trang mạng xã hội việc làm LinkedIn, biến đó là nơi để bạn thể hiện thương hiệu cá nhân, để kết nối trực tiếp với nhà tuyển dụng.
Ngoài những thắc mắc về nghề nghiệp, các sinh viên còn thắc mắc về một số điểm mới của cuộc thi GTTNLVC 2017 và nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình từ các diễn giả.
Sinh viên Trần Phi Sơn của Trường Đại học Đồng Tháp, cũng là thí sinh đoạt giải Nhì cuộc thi GTTNLVC năm 2016, chia sẻ kinh nghiệm tham gia cuộc thi, tiếp thêm động lực cho các bạn sinh viên mạnh dạn tham gia chương trình.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Dung – Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Trưởng Ban tổ chức GTTNLVC 2017 (ngoài cùng bên phải) và TS. Nguyễn Giác Trí – Trưởng khoa Kinh tế Quản trị Kinh doanh Trường ĐH Đồng Tháp (thứ 2, bên phải) cùng thầy Nguyễn Hoàng Minh Trí – Bí thư Đoàn trường (ngoài cùng bên trái) tặng hoa cảm ơn các diễn giả – doanh nhân tham dự buổi giao lưu.
VÂN THẢO – Ảnh: QUÝ HÒA