Tiếp tục chương trình giao lưu doanh nhân- sinh viên hướng đến Giải thưởng tài năng Lương Văn Can 2019 (GTTNLVC) của Báo Doanh nhân Sài Gòn, sáng ngày 24.5 đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa những doanh nhân thành đạt và sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP.HCM do Báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức. Cuộc giao lưu xoay quanh chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm xã hội”.
Tham dự chương trình giao lưu với gần 500 sinh viên trường Đại học Nông Lâm có các doanh nhân ngồi ghế diễn giả: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Activate Ngô Thanh Tùng, Tổng giám đốc Công ty Luxury Ngô Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp doanh nghiệp toàn cầu Phan Công Chính và Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của SVF Mandy Nguyễn.
Bằng kinh nghiệm khởi nghiệp và những thành công trên thương trường, các diễn giả đã nhiệt tình tư vấn các bước khởi nghiệp cho sinh viên. Trước tiên là bắt đầu bằng chính năng lực; sự tự tin; những chuẩn bị chu đáo về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, biết xã hội cần gì ở mình và mình sẽ làm được gì cho xã hội. Ở bước khởi nghiệp, chủ yếu là học hỏi, đôi khi phải chấp nhận thất bại đổi lấy kinh nghiệm. Tiền bạc và lợi nhuận trong giai đoạn này chỉ là thứ yếu.
Nhiều sinh viên đã mạnh dạn đặt vấn đề thảo luận cùng các diễn giả. Sinh viên Phạm Kim Dung cho rằng, nếu phải chọn giữa sự giàu có và thành đạt, một doanh nhân đúng nghĩa nên chọn điều gì. Phần thảo luận chỉ ra rằng, với một doanh nhân đúng nghĩa, sự giàu có và thành đạt luôn đi đôi với nhau, không có sự chọn lựa hoặc này hoặc kia, vấn đề còn lại là doanh nhân phải chọn cách sống thế nào để duy trì cả hai điều một cách hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp và có lợi cho cả cộng đồng. Sinh viên Hoàng Duy đặt vấn đề tâm thế khởi nghiệp là gì, vì sao phải duy trì tâm thế khởi nghiệp trên con đường lập thân lập nghiệp. Tâm thế khởi nghiệp tự tin, chắc chắn, táo bạo, không bao giờ sợ khó, không bao giờ sợ không biết… sẽ luôn tạo nên một khởi đầu tốt. Sự khởi đầu tốt sẽ là tiền đề cho mọi sự hanh thông sau này. Sinh viên Lâm Thanh Thanh đặt vấn đề xây dựng một nông trại khá lãng mạn theo mô hình 4.0 để thiết kế chuỗi nông sản sạch cho người tiêu dùng. “Hàng” Thanh đặt ra cho các diễn giả ngồi ghế nóng là: phải định hướng khởi nghiệp thế nào để dự án đạt hiệu quả về mặt kinh tế lẫn trách nhiệm xã hội. Tất nhiên, giải pháp tốt nhất là mời Thanh hoàn thiện đề án tham gia GTTNLVC, tham gia giải thưởng là tham gia kênh tiếp xúc hữu hiệu nhất với các chuyên gia để cô sinh viên có thể thực hiện được ước mơ của mình, dù có đạt giải thưởng hay không. Đây cũng là một trong những mặt tích cực của GTTNLVC. Sinh viên tham dự giải không những mong muốn đạt giải, mà còn là cơ hội để hoàn thiện chính mình trên con đường lập thân lập nghiệp thông qua sự tư vấn, hướng dẫn của các thành viên chuyên môn trong giải.
Tham dự buổi giao lưu còn có sự hiện diện của Tiến sĩ Trần Đình Lý- Hiệu phó Trường đại học Nông Lâm TP.HCM. TS Lý cho biết, sinh viên nhà trường đã tham dự GTTNLVC đủ 8 mùa giải qua (GTTNLVC khởi động từ năm 2011) và hứa hẹn sẽ tham gia tích cực vào mùa giải 2019. TS Lý nhận định, GTTNLVC là một giải thưởng đặc biệt dành cho sinh viên trên con đường khởi nghiệp; tham gia giải, các sinh viên không những được thể hiện ý tưởng qua dự án, mà còn là cơ hội để rèn luyện trên tinh thần kinh doanh hiếu nghĩa- trung thực theo gương doanh nhân Lương Văn Can từ hơn 100 năm trước.
NGỌC THU