Hành trình lập nghiệp bắt đầu từ mục tiêu

Tháng Tư 13, 2017  8:50 sáng   Đăng bởi

Khi xác định được mục tiêu muốn trở thành ai trong tương lai, sinh viên sẽ biết mình cần học gì, trau dồi kỹ năng gì để làm hành trang bước vào đời và lập nghiệp. Nếu không biết sứ mệnh của mình là gì, bạn sẽ không có phương hướng, không có sự chuẩn bị và không nắm bắt được cơ hội. 

Đó là thông điệp mà các doanh nhân – diễn giả gửi đến các bạn trẻ trong chương trình giao lưu Doanh nhân – Sinh viên chủ đề “Tự tin lập nghiệp” tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội chiều 12/4. Đây là là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2017 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.

Hàng trăm sinh viên đã được lắng nghe những chia sẻ về hành trang lập nghiệp, khởi nghiệp từ các diễn giả: Ông Ngô Vi Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT, ông Phan Văn Hiệu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI, bà Phạm Thị Thu Hà – Giám đốc Sacombank Chi nhánh 8/3 Hà Nội cùng bà Phùng Thị Phương – Trưởng phòng Chiến lược thương hiệu Công ty Richard Moore Associates. Cùng tham gia chia sẻ với sinh viên còn có sự tham gia của các giảng viên nhà trường, với mong muốn mang đến cho sinh viên những kinh nghiệm học tập, làm việc hiệu quả, từ đó chuẩn bị đầy đủ hành trang vào đời, tham gia vào nền kinh tế hội nhập nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức ngày nay.

TS. Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế – ĐHQG HN phát biểu tại buổi giao lưu

Từ trái sang: Ông Phan Văn Hiệu, bà Phạm Thị Thu Hà, ông Ngô Vi Đồng, bà Phùng Thị Phương

Ông Ngô Vi Đồng chia sẻ, có 3 điều mà sinh viên cần tôi luyện mỗi ngày trước khi chính thức bước vào con đường lập nghiệp là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Khi có thái độ đúng cùng khao khát cống hiến cho xã hội và công ty, sinh viên sẽ không viết những lá đơn xin việc “vô hồn”, sẽ tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng, tìm được việc làm tốt, phát triển sự nghiệp.

Ông Phan Văn Hiệu cho rằng khi sinh viên thấy được nguy cơ nghĩa là thấy được tương lai. Một khi bạn biết lo lắng về việc sẽ phải cạnh tranh với lao động chất lượng cao nước ngoài, các bạn sẽ nỗ lực học tập hơn để bổ sung những điểm còn yếu, từ đó hoàn thiện bản thân và có động lực để phấn đấu. Và khi biết mình cần gì, muốn trở thành ai trong tương lai, sinh viên đã có một hành trang lập nghiệp quan trọng.

Bà Phạm Thị Thu Hà cho rằng dù không khởi nghiệp, mở công ty nhưng bà đang làm đúng chuyên ngành, đúng mơ ước và thành công trong ngành nghề mình theo đuổi. Vì vậy, không nhất thiết phải khởi nghiệp mới gọi là thành công mà trước hết sinh viên cần học tốt chương trình trong nhà trường, tăng cường trải nghiệm thực tế, tận dụng lợi thế của thời kỳ kinh tế mở cửa, công nghệ bùng nổ… để mở rộng kỹ năng, kiến thức đầy đủ hành trang lập nghiệp.

TS. Đỗ Xuân Trường – Chủ nhiệm bộ môn Quản trị nguồn nhân lực cho rằng việc tham gia các cuộc thi khởi nghiệp là cách sinh viên tự kiểm tra khả năng đương đầu với thử thách, chịu áp lực và nhận được những bài học thực tiễn trước khi đối mặt với cuộc chơi khởi sự kinh doanh thực tế vốn nhiều rủi ro.

Bà Phùng Thị Phương nhắc nhở sinh viên rằng nếu muốn tương lai thay đổi thì các bạn cần thay đổi thói quen, hành động tích cực ngay từ hiện tại.

Giảng viên nhà trường hào hứng tham gia giao lưu cùng sinh viên

Sinh viên đặt câu hỏi với các diễn giả

TĂNG KHÁNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *